Thứ Sáu, 16 tháng 5, 2014

Hiện tại là món quà của cuộc sống

Hãy tưởng tượng có một ngân hàng ghi vào tài khoản của bạn 86.400 đô la mỗi sáng. Tuy nhiên, phần sai ngạch của ngày này không được chuyển sang ngày khác. Mỗi đêm, ngân hàng sẽ xóa hết phần bạn chưa dùng đến.

Bạn sẽ làm gì? Dĩ nhiên là tận dụng từng đồng, đúng không?

Mỗi người trong chúng ta đều có một ngân hàng như thế, đó chính là Thời gian.

Mỗi sáng nó ghi vào tài khoản của bạn 86.400 giây. Khi đêm về, nó xóa hết phần thời gian bạn chưa kịp dùng vào việc có ích. Ngân hàng không chuyển bất cứ khoản sai ngạch còn lại và cũng không cho bạn chi trội.

Mỗi ngày bạn nhận được một tài khoản mới. Cứ đêm về phần dư trong ngày sẽ bị xóa. Nếu bạn không tận dụng được khoản đó, người thiệt thòi chính là bạn. Không thể quay lại quá khứ, cũng không thể để dành cho ngày mai. Bạn phải sống trong hiện tại chỉ bằng khoản có được của ngày hôm nay. Vì vậy, hãy đầu tư thời gian của từng ngày một cách khôn ngoan để làm lợi nhiều nhất cho sức khỏe, hạnh phúc và sự thành đạt của bản thân bạn.

Thích Nhất Hạnh

Thứ Năm, 15 tháng 5, 2014

Vòng Tròn Thiền (Zen circle)


Vòng Tròn Thiền


Vào một buổi tối tại Trung Tâm Thiền Providence, Seung Sahn Soen-sa đưa ra một bài pháp:

“Thiền là gì?  Thiền là hiểu về mình.  Tôi là gì?

“Tôi giải thích về Thiền bằng một vòng tròn.  Có năm điểm ghi trên vòng tròn này:  0 độ, 90 độ, 180 độ, 270 độ, và 360 độ.  360 độ  ở ngay điểm 0 độ.


“Chúng ta bắt đầu 0 độ tới 90 độ.  Đây là phần suy nghĩ và dính mắc.  Suy nghĩ là mong cầu, mong cầu thì đau khổ.  Mọi sự việc đều được tách thành những cặp đối nghịch:  tốt và xấu, đẹp đẽ và xấu xí, của tôi và của anh/chị. Tôi thích cái này, tôi không thích cái kia.  Tôi cố cầu tìm hạnh phúc và tránh đau khổ.  Như vậy ở đây đời là khổ và khổ là đời.

“Vượt khỏi 90 độ là phần Ý Thức hay Nghiệp Thức.  Dưới 90 độ có sự dính mắc về danh sắc (name and form).  Ở đây có sự dính mắc về suy nghĩ.  Trước khi bạn sinh ra, bạn là zero (0); bây giờ bạn là số một (1); tương lai bạn sẽ chết và lại thành zero (0).  Như vậy zero bằng một (0=1), một bằng zero (1=0).  Mọi vật ở đây đều giống nhau, vì chúng thuộc cùng một căn bản.  Mọi vật đều có danh sắc, nhưng danh sắc đến từ không (emptiness) và sẽ trở về không.  Đây vẫn còn là suy nghĩ.

“Ở 180 độ, không còn sự suy nghĩ gì nữa.  Đây là một kinh nghiệm về cái không thực sự (true emptiness).  Trước khi suy nghĩ thì không có ngôn từ.  Như vậy thì không có núi, không có sông, không Thượng Đế, không Phật, không có gì cả.  Chỉ còn có …”  Tới đây, Soen-sa đánh vào cái bàn.

“Kế tiếp là vùng 270 độ, vùng của thần thông và phép lạ.  Ở đây hoàn toàn tự do, không ngăn ngại về không gian hay thời gian và được gọi là thực tưởng (live thinking).  Tôi có thể biến thân hình tôi thành hình con rắn.  Tôi có thể cưỡi mây tới Tây Phương Cực Lạc.  Tôi có thể đi trên nước.  Nếu tôi muốn có sự sống, tôi có sự sống; nếu tôi muốn sự chết, tôi có sự chết.  Trong vùng này, một pho tượng có thể khóc; đất không tối hay sáng; cây không rễ; thung lũng không tiếng vang.

“Nếu bạn trụ tại 180 độ, bạn bị dính mắc với cái không (emptines).  Nếu bạn trụ ở 270 độ, bạn bị dính mắc vào cái vô ngại.

“Ở 360 độ, mọi sự chỉ như nó là (as they are); sự thực chỉ như thế này.  ‘Như thế này’ có nghĩa là không dính mắc với bất cứ cái gì.  Điểm này thì giống hệt điểm 0 (zero):  Chúng ta tới nơi mà chúng ta đã bắt đầu, nơi chúng ta hằng luôn như vậy.  Cái khác ở 0 độ là dính mắc nghĩ suy, trong khi ở 360 độ là không dính mắc nghĩ suy.

“ Ví dụ, nếu bạn lái một chiếc xe mà dính mắc nghĩ suy thì tâm bạn ở một nơi nào đó, và bạn sẽ vượt đèn đỏ.  Không vướng mắc nghĩ suy nghĩa là tâm bạn lúc nào cũng trong suốt.  Khi bạn lái xe, bạn không suy nghĩ; bạn chỉ lái mà thôi.  Vậy chân lý chỉ như thế này.  Đèn đỏ có nghĩa là Dừng Lại; đèn xanh thì Đi.  Đó là hành động trực giác.  Hành động trực giác là hành động không có mong cầu hay dính mắc.  Tâm tôi như một tấm gương sáng, phản ánh mọi sự vật như nó là.  Màu đỏ tới, tấm gương trở thành đỏ; màu vàng tới, tấm gương trở thành vàng.  Đây là cách sống của một Bồ Tát.  Tôi không có những mong cầu cho mình.  Những hành động của tôi chỉ là cho mọi người mà thôi.

“0 độ là Tiểu Ngã (1).  90 độ là Nghiệp Thức Ngã (2).  180 độ là Diệt Tưởng Ngã (3).  270 độ là Vô Ngại Ngã (4) .  360 độ là Đại Ngã (5).  Đại ngã thì không thời gian và không gian.  Do đó nó không sanh mà cũng không diệt.  Tôi chỉ muốn cứu  mọi người.  Nếu người vui, tôi vui; nếu người buồn, tôi buồn.

“Thiền là đạt tới 360 độ.  Khi bạn đạt tới 360 độ, mọi độ phân chia trên vòng tròn biến mất.  Vòng tròn chỉ là phương tiện để dạy về Thiền mà thôi.  Nó thực sự không tồn tại.  Chúng ta dùng nó để đơn giản hóa việc suy nghĩ và để trắc nghiệm sự hiểu biết của thiền sinh.

Soen-sa liền đó cầm một cuốn sách và một cây bút chì lên rồi nói: “Cuốn sách và cây bút chì này, chúng giống nhau hay khác nhau?  Ở 0 độ chúng khác nhau.  Ở 90 độ vì mọi sự vật đều là một, nên cuốn sách là cây viết chì, cây viết chì là cuốn sách.   Ở 180 độ, mọi nghĩ suy đều bị cắt đứt, do đó vô ngôn.  Câu trả lời chỉ là …”  Soen-sa bèn đánh vào cái bàn.  “Ở 270 độ, vô ngại hoàn toàn, do đó một câu trả lời hay là: cuốn sách giận dữ, cây viết chì cười to.  Cuối cùng thì ở 360 độ, sự thật chỉ như thế này: Xuân tới, cỏ mọc.  Bên trong thì sáng, bên ngoài thì tối.  Do đó câu trả lời ở đây là: cuốn sách là cuốn sách, cây viết chì là cây viết chì.

“Như vậy tại mỗi điểm, câu trả lời đều khác nhau.  Câu nào là câu trả lời đúng?  Các bạn có hiểu không?

“Giờ đây là câu trả lời cho các bạn:  cả năm câu trả lời đều sai.

“Tại sao vậy?”

Chờ một lúc, Soen-sa hét lên  “KATZ!!!” (6) rồi nói: “Cuốn sách màu xanh lơ, cây viết chì màu vàng.  Nếu bạn hiểu điều này, bạn sẽ hiểu mình.

“Nhưng nếu bạn hiểu mình, tôi sẽ đánh bạn 30 hèo.  Và nếu bạn không hiểu thì tôi cũng sẽ đánh bạn 30 hèo.

“Tại sao?”

Cũng chờ một lát, Soen-sa nói: “Hôm nay trời rất lạnh.”

Ghi chú:

Thiền sư Seung Sahn (1927-2004) là một vị tổ Thiền tông bên Đại Hàn.  Ngài sang Hoa Kỳ năm 1972 để truyền bá Phật pháp qua hành trì, đặc biệt thử thách thiền sinh với những công án và cơ phong vấn đáp.  Vốn liếng tiếng Anh thật hạn chế, nhưng thật kỳ diệu là Ngài đã sử dụng chúng thật bình dị theo lối của Ngài, không theo những danh từ chuyên môn có sẵn, không theo cú pháp mà cũng truyền được cái vi diệu trong Phật Pháp cho những thiền sinh nước ngoài.  Học trò của Ngài đã viết lại những bài giảng của Ngài, nhưng không thay đổi những từ đặc biệt mà Ngài đã dùng. 

Người dịch tạm dịch những từ trong bài viết theo nội dung bài giảng và theo sự hiểu biết riêng của mình.  Nếu có gì sơ suất, mong được các bậc cao minh thứ lỗi và chỉ giáo.

(1)        Small I:  Tiểu ngã

(2)        Karma I: Nghiệp thức ngã

(3)        Nothing I:  Diệt tưởng ngã

(4)        Freedom I: Vô ngại ngã

(5)        Big I:  Đại Ngã

(6)        KATZ:  tiếng thét theo người Đại Hàn, còn người Việt Nam là “A hay HA”
Thiền sư Seung Sahn (Zen Circle)
Dịch thuật: Minh Trí

Thiền Ðịnh Ba La Mật



Thiền Ðịnh Ba La Mật 
Phật Học Phổ Thông
Sa Môn Thích Thiện Hoa

A. Mở Ðề 
      Kẻ tu hành muốn đến bờ giải thoát hoàn toàn, cần phải tu cả phước lẫn huệ. Trong bốn đọ trước của lục độ mà chúng ta đã học, chỉ nói về tu phước. Trong hai độ cưối cùng là Thiền định và Trí huệ, chúng ta sẽ học về tu huệ. 
Trước tiên, chúng ta hãy tìm hiểu tánh cách quan trọng và giá trị của Thiền định. 
 

B. Chánh Ðề 
I. Ðịnh Nghĩa 
Thiền định là gì? Thiền phiên âm theo tiếng Phạn là Thiền na, xưa dịch là tư duy, nay các học giả dịch là Tĩnh lự. Tu Tư duy có nghĩa là tu tập bằng phương pháp suy nghiệm, nghiên tầm và suy cứu về những đối tượng của tâm thức. Tĩnh lự có nghĩa là dùng tâm thể vắng lặng để thẩm sát các vấn đề đạo pháp. 
Còn chữ Ðịnh phiên âm theo tiếng Phạn là Tam muội (Samadhi), có nghĩa là tập trung tâm lý vào một đối tượng duy nhất, không để cho tâm ý tán loạn. Hợp hai chữ Thiền và Ðịnh lại, ta có một định nghĩa chung: Tập trung tâm ý vào một đối tượng duy nhất không cho tan loạn, để tâm thể được vắng lặng và cho tâm dụng được mạnh mẽ, hầu quan sat và suy nghiệm chân lý.  


II. Các Loại Thiền định 
      Thiền định có thể gọi là một trạng thái của tâm lý, trạng thái ấy gọi là trạng tahí Tĩnh lự. Song ở Dục giới, tâm lý không thể có được trạng thái ấy, vì nó chỉ phát hiện ở Sắc giới, và Vô sắc giới. Rõ hơn nữa là Thiền thuộc về Sắc giới và Ðinh thuộc về Vô sắc giới. Ở mỗi giới, Thiền và Ðịnh đều phân làm bốn cấp bực từ thấp lên cao, cho nên có danh từ là Tứ thiền và Tứ định.  

      Tứ thiền và Tứ định này, tuy là kết qủa của công phu tu tập Thiền định, hay gieo trồng thiện căn, nhưng cũng là chung cho cả Phật pháp, cả Thế gian pháp,cả Thánh cả Phàm. Nói rõ hơn, là dù theo phương pháp Ðạo Phật hay phương pháp nào, nếu có đường lối, có công phu đều có thể đạt đến Tứ thiền và Tứ định; nhưng đây cũng chỉ là thế gian pháp mà thôi.  

      Còn nói về pháp Ðịnh của chư Phật, Bồ Tát và A La Hán thì khác. Ðó là Thiền định thuộc Xuất thế gian pháp, không thể phát hiện trong phạm vi Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới được.Muốn đạt đến trạng thái Tĩnh lực của các bậc ấy, người ta phải đạt đến sự thoát ly tam giới. Còn lẩn quẩn trong tam giới thì tâm ý chỉ có thể đạt đến Tứ định là cùng.
 
      Muốn có được Tứ thiền và Tứ định, chỉ phải thoát ly và đoạn diệt phiền não ở Dục giới. Nhưng nếu muốn đạt các pháp Ðịnh vô lậu, thì phải diệt trừ tất cả các phiền não của Vô sắc giới.  

      Trước khi mong đến được Ðịnh vô lậu, phải vần đến Thiền, bởi vì Thiền là căn bản của Ðịnh. Có được ngũ nhãn, lục thông cũng nhờ Thiền. Vả lại, Thiền có công dụng thẩm sát, nghiên cứu. Nếu muốn quan niệm chân lý, tất phải nhờ đến Thiền do đó Thiền là pháp tối yếu cho kẻ học đạo.  

      Ðứng về phương diện các trình độ của Thiền, kinh sách có dạy như sau:  

      1. Thế gian thiền. Thiền này có hai loại: Căn bản vị thiền và Căn bản tịnh thiền. Căn bản vị thiền gồm có mười hai phẩm, phân làm ba: Tứ thiền, Tứ vô lượng và Tứ không. 

      Người phàm chán cảnh tán loạn của Dục giới thì tu Tứ thiền. Người muốn phước lớn thì tu Tứ vô lượng. Kẻ nhàm chán cảnh sắc giới chật hẹp thì tu Tứ không. Vì mười hai phẩm Thiền này có thể làm căn bản cho thịện pháp xuất thế gian, nên gọi là căn bản Thiền. Với lại, an trú trong mười hai phẩm ấy, người tu Thiền còn ưa thích cảm giác lạc thọ của Thiền, nên gọi là căn bản vị Thiền.  

      Căn bản vị thiền, phân làm hai: Lục diệu môn và Thập lục đặc thắng. Ai có huệ tánh nhiều thì tu Lục diệu môn, kẻ nào có định tánh nhiều thì tu Thập lục đắc thắng. Những ai có huệ tánh và định tánh đều nhau thì có thẻ tu cả hai loại. Vì người ta có thể căn cứ vào pháp Thiền này để phát sinh vô lậu trí, không phải chỉ thuần hữu lậu, như ở Căn bản vị thiền, nên gọi là căn bản tịnh thiền.  

      Tuy nhiên, cả hai loại đều chỉ là thế gian thiền mà thôi, vì trước thời Phật giáng thế, phép Thiền này đã có.  

      2. Xuất thế gian thiền. Pháp thiền này là của bậc xuất thế. Có bốn thứ Thiền quán: Cửu tướng quán, Bát bối xả quán, Bát thắng xứ quán và Thập nhất thiết xứ quán. Tu bốn thiền quán này, tuy là lấy các pháp hữu vi làm đối tượng suy nghiệm, những có thể đi đến kết quả ly dục, phát sinh vô lậu trí, nên gọi là Xuất thế gian thiền.  

      3. Xuất thế gian thượng thượng thiền. Ðây là pháp Thiền cao tột của các bậc đại nhân. Kinh Ðịa trì có giải về chín môn đại thiền này như sau:  

      Một là "Tự tánh thiền", nghĩa là quán sát thật tướng của tự tâm, không cần lấy đối tượng ngoại cảnh. 
      Hai là "Nhất thiết thiền", có công năng tự hành và hóa tha. 
      Ba là "Nan thiền", môn Thiền gian nan, thâm diệu, khó tu. 
      Bốn là "Nhất thiết môn thiền", có nghĩa là tất cả các pháp Thiền định đều do môn (cửa) này mà phát xuất. 
      Năm là "Thiện nhân thiền", môn Thiền của những chúng sanh có đại thiện căn cùng tu. 
      Sáu là "Nhất thiết hạnh thiền", bao nhiếp tất cả hạnh pháp của Ðại Thừa. 
      Bảy là "Trừ não thiền", có năng lực trừ diệt phiền não, khổ đau cho chúng sinh. 
      Tám là "Thử thế tha thế lạc thiền", có năng lực làm cho chúng sinh an lạc trong hiện tại và tương lai. 
      Chín là "Thanh tịnh tịnh thiền", có năng lực đoạn trừ hoàn toàn các hoặc nghiệp, và chứng được Tịnh báo đại Bố đề. Ðến môn Thiền này, tâm ý hoàn toàn thanh tịnh và lại cũng không còn thấy cái tướng thanh tịnh ấy nữa, nên gọi là Tịnh báo.  

      III. Công Năng Của Thiền định 
      Theo Bồ Tát hạnh, có thể tu tập Thiền định và đạt đến mười kết quả tốt đẹp sau đây:  

      Một là được an trụ trong pháp thức uy nghi. Tu Thiền định phải theo pháp thức mà hành trì, như vậy trải qua một thời gian kha lâu, thì ngũ căn được tịch tịnh, chánh định phát khởi, không cần có sự cố gắng mà vẫn được an trụ trong pháp thức oai nghi. 
       Hai là được thực hành cảnh giới từ bi. Khi tu Thiền định, thì giữ được tâm từ bi, thương yêu chúng sinh, muốn cho tất cả được an ổn. 
      Ba là không còn phiền não. Nhưò năng lực Thiền định mà các phiền não tham, sân, si, không còn phát sinh nữa. 
      Bốn là gìn giữ được các giác quan. Không cho sắc, thanh, hương, vị, xúc lay động. 
      Năm là vui vẻ lạc thú. Xem Thiền định là một món ăn ngon lành hơn tất cả các món ănm khác trong thế gian. 
      Sáu là xa lìa được ái dục. Một khi tâm niệm đã lắng yên, ái dục không còn phát sinh và làm nhiễm trước được nữa. 
      Bảy là chứng được chân không ,những không bao giờ bị rơi vào chỗ chấp đoạn diệt hư vô. 
      Tám là cởi mở được tất cả những dây trói buộc sự giải thoát. 
      Chín là khai phát được trí huệ vô lượng và an trú trong cảnh giới của chư Phật. 
      Mười là đạt đến sự giải thoát thành thục, đến chỗ mà tất cả hoặc nghiệp không còn nhiễu lại được nữa. 

      C. Kết Luận: 
      Chúng ta có thể tóm tắt thành quả tốt đẹp của Thiền định như sau:  

      Ngũ căn được tự tại, phiền não được dứt trừ ,từ bi được mở rộng, trí huệ được phát chiếu, cảnh giới giải thoát được phô bày ra trước mắt. Một pháp môn có công năng quí báu, có diệu dụng phi thường như thế, làm sao chúng ta có thể bỏ qua được?  

      Mong rằng vì lợi ích thiết thực nói trên, quí vị Phật tử hãy gắng công tu tập pháp môn Thiền định này cho chíng có kết quả. 

Nguồn: http://www.tangthuphathoc.net/phathoc/phathocphothong-4.8.htm

Kinh Quán Niệm Hơi Thở

Kinh Quán Niệm Hơi Thở
Thích Nhất Hạnh


Tôi nghe như sau:

      Hồi đó, Bụt còn ở tại nước Xá Vệ, cư trú trong vườn Kỳ Thọ với nhiều vị đại đệ tử nổi tiếng như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Ca Diếp, Ca Chiên Diên, Câu Thi La, A Nậu Lâu Đà, Ưu Bà Đa, A Nan Đà, v.v... Trong cọng đồng các vị khất sĩ, những vị trưởng thượng lo chăm sóc dạy dỗ các vị khất sĩ tân học, có vị chăm dạy mười người, có vị hai mươi người, có vị ba mươi người, có vị bốn mươi người... Các vị khất sĩ tân học được chăm sóc và dạy dỗ như thế dần dần thực hiện được nhiều tiến bộ...Bây giờ đây, đã đến ngày trăng tròn tháng tư và Bụt đang ngồi ngoài trời với các vị khất sĩ. Người đưa mắt lặng lẽ quán sát đại chúng một hồi rồi lên tiếng:

"Quý vị khất sĩ! Tăng đoàn chúng ta đây quả là thanh tịnh và có thực chất tu học, không mang tính chất phù phiếm và ba hoa, xứng đáng được cúng dường, xứng đáng được gọi là phước điền, xứng đáng được kính nể.

      "Này quý vị, trong đại chúng đây có những vị khất sĩ đã chứng quả La Hán, đã trừ hết mọi phiền não, đã trút bỏ được mọi gánh nặng, đã thành tựu được trí tuệ và giải thoát. Lại có những vị đã cắt được năm sợi dây ràng buộc đầu, chứng được quả Bất Hoàn, sẽ không còn trở lại luân hồi; có những vị đã cắt bỏ được ba sợi dây ràng buộc đầu, chứng quả Nhất Hoàn, hàng phục được phần thô của các phiền não tham, sân và si, và chỉ cần trở lại một lần; có những vị đã cắt bỏ được ba sợi dây ràng buộc đầu, chứng quả Dự Lưu, đang vững chãi đi về quả vị giác ngộ; có vị đang thực tập tứ niệm xứ, có vị đang thực tập tứ chánh cần, có vị đang thực tập tứ như ý túc, có vị đang thực tập ngũ căn, có vị đang thực tập ngũ lực, có vị đang thực tập thất bồ đề phần, có vị đang thực tập bát chánh đạo, có vị đang thực tập từ, có vị đang thực tập bi, có vị đang thực tập hỷ, có vị đang thực tập xả, có vị đang thực tập cửu tưởng quán, có vị đang thực tập vô thường quán. Lại có những vị khác đang thực tập quán niệm hơi thở."

      "Quý vị khất sĩ! Phép quán niệm hơi thở, nếu được phát triển và thực tập liên tục, sẽ đem lại những thành quả và lợi lạc lớn, có thể làm thành tựu bốn lĩnh vực quán niệm; bốn lĩnh vực quán niệm nếu được phát triển và thực tập liên tục, sẽ làm thành tựu bảy yếu tố giác ngộ; bảy yếu tố giác ngộ nếu được phát triển và thực tập liên tục sẽ đưa tới trí tuệ và giải thoát.

      "Làm thế nào để phát triển và thực tập liên tục phép quán niệm hơi thở, để phép này mang lại những thành quả và lợi lạc lớn?

      "Này đây, quý vị khất sĩ! Người hành giả đi vào rừng hoặc tới một gốc cây, nơi vắng vẻ, ngồi xuống trong tư thế hoa sen, giữ thân cho thẳng và đặt vững chánh niệm trước mặt mình. Thở vào, người ấy biết rằng mình thở vào; thở ra, người ấy biết rằng mình thở ra.

1. Thở vào một hơi dài, người ấy biết: Ta đang thở vào một hơi dài. Thở ra một hơi dài, người ấy biết: Ta đang thở ra một hơi dài.
2. Thở vào một hơi ngắn, người ấy biết: Ta đang thở vào một hơi ngắn. Thở ra một hơi ngắn, người ấy biết: Ta đang thở ra một hơi ngắn.
3. Ta đang thở vào và có ý thức về toàn thân ta. Ta đang thở ra và có ý thức về toàn thân ta. Người ấy thực tập như thế.
4. Ta đang thở vào và làm cho toàn thân an tịnh. Ta đang thở ra và làm cho toàn thân an tịnh. Người ấy thực tập như thế.
5. Ta đang thở vào và cảm thấy mừng vui. Ta đang thở ra và cảm thấy mừng vui. Người ấy thực tập như thế.
6. Ta đang thở vào và cảm thấy an lạc. Ta đang thở ra và cảm thấy an lạc. Người ấy thực tập như thế.
7. Ta đang thở vào và có ý thức về những hoạt động tâm ý trong ta. Ta đang thở ra và có ý thức về những hoạt động tâm ý trong ta. Người ấy thực tập như thế.
8. Ta đang thở vào và làm cho những hoạt động tâm ý trong ta được an tịnh. Ta đang thở ra và làm cho những hoạt động tâm ý trong ta được an tịnh. Người ấy thực tập như thế.
9. Ta đang thở vào và có ý thức về tâm ý ta. Ta đang thở ra và có ý thức về tâm ý ta. Người ấy thực tập như thế.
10. Ta đang thở vào và làm cho tâm ý ta hoan lạc. Ta đang thở ra và làm cho tâm ý ta hoan lạc. Người ấy thực tập như thế.
11. Ta đang thở vào và thu nhiếp tâm ý ta vào định. Ta đang thở ra và thu nhiếp tâm ý ta vào định. Người ấy thực tập như thế.
12. Ta đang thở vào và cởi mở cho tâm ý ta được giải thoát tự do. Ta đang thở ra và cởi mở cho tâm ý ta được giải thoát tự do. Người ấy thực tập như thế.
13. Ta đang thở vào và quán chiếu tính vô thường của vạn pháp. Ta đang thở ra và quán chiếu tính vô thường của vạn pháp. Người ấy thực tập như thế.
14. Ta đang thở vào và quán chiếu về tính không đáng tham cầu và vướng mắc của vạn pháp. Ta đang thở ra và quán chiếu về tính không đáng tham cầu và vướng mắc của vạn pháp. Người ấy thực tập như thế.
15. Ta đang thở vào và quán chiếu về bản chất không sinh diệt của vạn pháp. Ta đang thở ra và quán chiếu về bản chất không sinh diệt của vạn pháp. Người ấy thực tập như thế.
16. Ta đang thở vào và quán chiếu về sự buông bỏ. Ta đang thở ra và quán chiếu về sự buông bỏ. Người ấy thực tập như thế.

      Phép quán niệm hơi thở, theo những chỉ dẫn trên, nếu được phát triển và thực tập liên tục, sẽ đem đến những thành quả và lợi lạc lớn.Phát triển và thực tập liên tục như thế nào để phép quán niệm hơi thở có thể thành tựu được bốn lĩnh vực quán niệm?

      Khi hành giả thở vào hoặc thở ra một hơi dài hay một hơi ngắn mà có ý thức về hơi thở và về toàn thân mình, hoặc có ý thức là đang làm cho toàn thân mình an tịnh, thì khi ấy hành giả đang an trú trong phép quán thân trong thân, tinh tiến, tỉnh thức, biết rõ tình trạng, vượt khỏi mọi tham đắm cũng như mọi chán ghét đối với cuộc đời. Hơi thở vào và hơi thở ra có ý thức ở đây thuộc lĩnh vực quán niệm thứ nhất là thân thể.
Khi hành giả thở vào hoặc thở ra mà có ý thức về sự vui thích hoặc về sự an lạc, về những hoạt động của tâm ý, hoặc để làm cho những hoạt động của tâm ý an tịnh thì khi ấy hành giả đang an trú trong phép quán cảm thọ trong cảm thọ, tinh tiến, tỉnh thức, biết rõ tình trạng, vượt khỏi mọi tham đắm cũng như mọi chán ghét đối với cuộc đời. Những cảm thọ được chứng nghiệm trong hơi thở có ý thức ấy thuộc lĩnh vực quán niệm thứ hai là cảm thọ.

      Khi hành giả thở vào hoặc thở ra mà có ý thức về tâm ý, làm cho tâm ý an tịnh, thu nhiếp tâm ý vào định hoặc cởi mở cho tâm ý được giải thoát tự do, thì khi ấy hành giả đang an trú trong pháp quán niệm tâm ý trong tâm ý, tinh tiến, tỉnh thức, biết rõ tình trạng, vượt khỏi mọi tham đắm cũng như mọi chán ghét đối với cuộc đời. Không quán niệm về hơi thở thì sẽ không phát triển được chánh niệm và sự hiểu biết.
Khi hành giả thở vào hoặc thở ra mà quán chiếu về tính cách vô thường hoặc về tính cách không đáng tham cầu và vướng mắc của vạn pháp, về bản chất không sinh diệt và về sự buông bỏ, thì khi ấy hành giả đang an trú trong pháp quán niệm đối tượng tâm ý trong đối tượng tâm ý, tinh tiến, tỉnh thức, biết rõ tình trạng, vượt khỏi mọi tham đắm cũng như mọi chán ghét đối với cuộc đời.

      Phép quán niệm hơi thở nếu được phát triển và thực tập liên tục, sẽ đưa bốn lĩnh vực quán niệm đến chỗ thành tựu viên mãn.Nhưng nếu được phát triển và thực tập liên tục, bốn lĩnh vực quán niệm sẽ đưa bảy yếu tố giác ngộ đến chỗ thành tựu viên mãn. Bằng cách nào?

      Khi hành giả an trú trong phép quán thân trong thân, quán cảm thọ trong cảm thọ, quán tâm ý trong tâm ý, quán đối tượng tâm ý trong đối tượng tâm ý, tinh tiến, tỉnh thức, biết rõ tình trạng, vượt khỏi mọi tham đắm cũng như mọi chán ghét đối với cuộc đời, thì lúc ấy chánh niệm của hành giả được duy trì vững chãi và bền bỉ; và hành giả đạt được yếu tố giác ngộ thứ nhất là niệm. Yếu tố này sẽ tiến dần đến sự thành tựu viên mãn.
Khi hành giả an trú trong chánh niệm để quán chiếu và quyết trạch về các pháp, đối tượng của tâm ý, thì yếu tố giác ngộ thứ hai được sinh khởi và phát triển, đó là yếu tố trạch pháp. Yếu tố này sẽ tiến dần đến sự thành tựu viên mãn.

      Khi hành giả an trú trong quán chiếu và quyết trạch về các pháp một cách bền bỉ, tinh cần, vững chãi thì yếu tố giác ngộ thứ ba được sinh khởi và phát triển, đó là yếu tố tinh tấn. Yếu tố này sẽ tiến dần đến sự thành tựu viên mãn.

      Khi hành giả đã an trú vững chãi và bền bỉ trong sự hành trì tinh tiến thì yếu tố giải thoát thứ tư được sinh khởi và phát triển, đó là yếu tố hỷ lạc xuất thế. Yếu tố này sẽ tiến dần đến sự thành tựu viên mãn.
Khi được an trú trong trạng thái hỷ lạc rồi, hành giả cảm thấy thân và tâm của mình nhẹ nhàng và an tịnh, đó là yếu tố giải thoát thứ năm được sinh khởi và phát triển, đó là yếu tố khinh an. Yếu tố này sẽ tiến dần đến sự thành tựu viên mãn.

      Khi thân và tâm mình đã nhẹ nhàng và thanh tịnh, hành giả có thể đi vào định một cách dễ dàng. Lúc đó yếu tố giải thoát thứ sáu được sinh khởi và phát triển. Đó là yếu tố định. Yếu tố này sẽ tiến dần đến sự thành tựu viên mãn.

      Khi đã thực sự an trú trong định, hành giả không còn duy trì sự phân biệt và so đo nữa. Khi đó yếu tố giải thoát thứ bảy là buông thả được sinh khởi và phát triển. Đó là yếu tố hành xả. Yếu tố này sẽ tiến dần đến sự thành tựu viên mãn.

      Bốn lĩnh vực quán niệm nếu được phát triển và thực tập liên tục sẽ đưa bảy yếu tố giác ngộ đến chỗ thành tựu viên mãn như thế. Nhưng bảy yếu tố giác ngộ, nếu được phát triển và thực tập liên tục, làm thế nào để có thể đưa đến sự thành tựu viên mãn của trí tuệ và giải thoát?

      Nếu hành giả tu tập theo bảy yếu tố giác ngộ, một mình tĩnh cư, chuyên quán chiếu về tính cách không sinh diệt của vạn pháp,  quán chiếu về sự tự do,  thì sẽ đạt tới khả năng buông bỏ. Đó là do tu tập bảy yếu tố giác ngộ mà thành tựu viên mãn được trí tuệ và giải thoát."

      Đó là những điều đức Thế Tôn nói. Đại chúng ai nấy đều tỏ vẻ vui mừng được nghe Người dạy.
 
 

Thứ Tư, 14 tháng 5, 2014

TÌM HIỂU KINH BỐN MƯƠI HAI CHƯƠNG

Kinh 42 chuong - Thích Nhật Từ 2010

Tác phẩm được phân tích trong mối liên hệ giữa Kinh tạng Đại thừa và kinh điển Pàli. Hơn phân nửa số chương được đức Phật dạy cho người xuất gia về các phương châm hành đạo, chuyển hoá khổ đau, trao dồi tuệ giác để làm cẩm nang nhập thế. Số chương còn lại dạy cho cả hai giới Tăng Tục. Mỗi một chương tuy rất ngắn, nhưng ý nghĩa lại rất cô đọng, súc tích và rất sâu sắc.

Mục lục


* 14/052014
* 16/052014

Bông Hồng Cài Áo

BÔNG HỒNG CÀI ÁO 
Nhất Hạnh 

 Ý niệm về mẹ thường không thể tách rời ý niệm về tình thương. Mà tình thương là một chất liệu ngọt ngào, êm dịu và cố nhiên là ngon lành. Con trẻ thiếu tình thương thì không lớn lên được. Người lớn thiếu tình thương thì cũng không "lớn" lên được. Cằn cỗi , héo mòn. Ngày mẹ tôi mất, tôi viết trong nhật ký: Tai nạn lớn nhất đã xẩy ra cho tôi rồi! Lớn đến mấy mà mất mẹ thì cũng như không lớn, cũng cảm thấy bơ vơ, lạc lõng, cũng không hơn gì trẻ mồ côi. Những bài hát, bài thơ ca tụng tình mẹ bài nào cũng dễ, cũng hay. Người viết dù không có tài ba, cũng có rung cảm chân thành; người hát ca, trừ là kẻ không có mẹ ngay từ thuở chưa có ý niệm, ai cũng cảm động khi nghe nói đến tình mẹ. Những bài hát ca ngợi tình mẹ đâu cũng có, thời nào cũng có. Bài thơ mất mẹ mà tôi thích nhất, từ hồi nhỏ, là một bài thơ rất giản dị. Mẹ đang còn sống, nhưng mỗi khi đọc bài thơ ấy thì sợ sệt, lo âu.... sợ sệt lo âu một cái gì còn xa, chưa đến, nhưng chưa chắc chắn phải đến : 

 Năm xưa tôi còn nhỏ 
Mẹ tôi đã qua đời ! 
Lần đầu tiên tôi hiểu
 Thân phận trẻ mồ côi. 
Quanh tôi ai cũng khóc 
Im lặng tôi sầu thôi
Để dòng nước mắt chảy 
Là bớt khổ đi rồi... 
 Hoàng hôn phủ trên mộ 
Chuông chùa nhẹ rơi rơi 
Tôi thấy tôi mất mẹ 
Mất cả một bầu trời. 

            Một bầu trời thương yêu dịu ngọt, lâu quá mình đã bơi lội trong đó, sung sướng mà không hay, để hôm nay bừng tỉnh thì thấy đã mất rồi. Người nhà quê Việt nam không ưa cách nói cao kỳ. Nói rằng bà mẹ già là kho tàng của yêu thương, của hạnh phúc thì cũng đã là cao kỳ rồi. Nói mẹ già là một thứ chuối, một thứ xôi, một thứ đường ngọt dịu, người dân quê đã diễn tả được tình mẹ một cách vừa giản dị vừa đúng mức : 
 Mẹ già như chuối ba hương 
Như xôi nếp một, như đường mía lau. 

           Ngon biết bao ! Những lúc miệng vừa đắng vừa nhạt sau một cơn sốt, những lúc như thế thì không có món ăn gì có thể gợi được khẩu vị của ta. Chỉ khi nào mẹ đến, kéo chăn đắp lên ngực cho ta, đặt bàn tay (Bàn tay ? hay là tơ trời đâu la miên ?) trên trán nóng ta và than thở "khổ chưa, con tôi ", ta mới cảm thấy đầy đủ, ấm áp, thấm nhuần chất ngọt của tình mẹ, ngọt thơm như chuối ba hương, dịu như xôi nếp một, và đậm đà lịm cả cổ họng như đường mía lau. Tình mẹ thì trường cửu, bất tuyệt; như chuối ba hương, đường mía lau, xôi nếp một ấy không bao giờ cùng tận. 

 Công cha như núi Thái sơn, 
nghĩa mẹ như nước trong nguồn chẩy ra . 

            Nước trong nguồn chảy ra thì bất tuyệt. Tình mẹ là gốc của mọi tình cảm yêu thương. Mẹ là giáo sư dạy về yêu thương, một phân khoa quan trọng nhất trong trường đại học cuộc đời. Không có mẹ, tôi sẽ không biết thương yêu. Nhờ mẹ mà tôi được biết tình nhân loại, tình chúng sinh ; nhờ mẹ mà tôi biết được thế nào là tình nhân loại, tình chúng sinh ; nhờ mẹ mà tôi có được chút ý niệm về đức từ bi. Vì mẹ là gốc của tình thương, nên ý niệm mẹ lấn trùm ý thương yêu của tôn giáo vốn dạy về tình thương. 

             Đạo Phật có đức Quan Thế Âm, tôn sùng dưới hình thức mẹ. Em bé vừa mở miệng khóc thì mẹ đã chạy tới bên nôi. Mẹ hiện ra như một thiên thần dịu hiền làm tiêu tan khổ đau lo âu. Đạo Chúa có đức Mẹ, thánh nữ đồng trinh Maria. Trong tín ngưỡng bình dân Việt có thánh mẫu Liễu Hạnh, cũng dưới hình thức mẹ. Bởi vì chỉ cần nghe đến danh từ Mẹ, ta đã thấy lòng tràn ngập yêu thương rồi. Mà từ yêu thương tín ngưỡng và hành động thì không xa chi mấy bước.

             Tây phương không có ngày Vu Lan nhưng cũng có Ngày Mẹ ( Mother's Day ) mồng mười tháng năm. Tôi nhà quê không biết cái tục ấy. Có một ngày tôi đi với Thầy Thiên Ân tới nhà sách ở khu Ginza ở Đông Kinh, nửa đường gặp mấy người sinh viên Nhật, bạn của thầy Thiên Ân. Có một cô sinh viên hỏi nhỏ Thầy Thiên Ân một câu, rồi lấy ở trong sắc ra một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài vào khuy áo tràng của tôi. Tôi lạ lùng, bỡ ngỡ, không biết cô làm gì, nhưng không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên, nghĩ rằng có một tục lệ chi đó. Sau khi họ nói chuyện xong, chúng tôi vào nhà sách, thầy Thiên Ân mới giảng cho tôi biết đó là Ngày Mẹ, theo tục Tây phương. Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng.

           Tôi nhìn lại bông hoa trắng trên áo mà bỗng thấy tủi thân. Tôi cũng mồ côi như bất cứ một đứa trẻ vô phúc khốn nạn nào; chúng tôi không có được cái tự hào được cài trên áo một bông hoa màu hồng. Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương không quên mẹ, dù người đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi có khóc than cũng không còn kịp nữa. Tôi thấy cái tục cài hoa đó đẹp và nghĩ rằng mình có thể bắt chước áp dụng trong ngày báo hiếu Vu Lan. 

          Mẹ là một dòng suối, một kho tàng vô tận, vậy mà lắm lúc ta không biết, để lãng phí một cách oan uổng. Mẹ là một món qùa lớn nhất mà cuộc đời tặng cho ta, những kẻ đã và đang có mẹ. Đừng có đợi đến khi mẹ chết rồi mới nói: "trời ơi, tôi sống bên mẹ suốt mấy mươi năm trời mà chưa có lúc nào nhìn kỹ được mặt mẹ!". Lúc nào cũng chỉ nhìn thoáng qua. Trao đổi vài câu ngắn ngủi. Xin tiền ăn quà. Đòi hỏi mọi chuyện. Ôm mẹ mà ngủ cho ấm. Giận dỗi. Hờn lẫy. Gây bao nhiêu chuyện rắc rối cho mẹ phải lo lắng, ốm mòn, thức khuya dậy sớm vì con. Chết sớm cũng vì con. Để mẹ phải suốt đời bếp núc, vá may, giặt rửa, dọn dẹp. Và để mình bận rộn suốt đời lên xuống ra vào lợi danh. Mẹ không có thì giờ nhìn kỹ con. Và con không có thì giờ nhìn kỹ mẹ. Để khi mẹ mất mình có cảm nghĩ: "Thật như là mình chưa bao giờ có ý thức rằng mình có mẹ!" 

            Chiều nay khi đi học về, hoặc khi đi làm việc ở sở về, em hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và thật bền. Em sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi em sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ để trông thấy mẹ và để biết rằng mẹ đang còn sống và đang ngồi bên em. Cầm tay mẹ, em sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Em hỏi: " Mẹ ơi, mẹ có biết không ?" Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên và sẽ hỏi em, vừa hỏi vừa cười "Biết gì?" Vẫn nhìn vào mắt mẹ, vẫn giữ nụ cười trầm lặng và bền, em sẽ nói: "Mẹ có biết là con thương mẹ không ?" Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù người lớn ba bốn mươi tuổi ngừơi cũng có thể hỏi một câu như thế, bởi vì người là con của mẹ. Mẹ và em sẽ sung sướng, sẽ sống trong tình thương bất diệt. Mẹ và em sẽ đều trở thành bất diệt và ngày mai, mẹ mất, em sẽ không hối hận, đau lòng. 

         Ngày Vu Lan ta nghe giảng và đọc sách nói về ngài Mục Kiền Liên và về sự hiếu đễ. Công cha, nghĩa mẹ. Bổn phận làm con. Ta lạy Phật cầu cho mẹ sống lâu. Hoặc lạy mười phương Tăng chú nguyện cho mẹ được tiêu diêu nơi cực lạc, nếu mẹ đã mất. Con mà không có hiếu là con bỏ đi. Nhưng hiếu thì cũng do tình thương mà có; không có tình thương hiếu chỉ là giả tạo, khô khan, vụng về, cố gắng mệt nhọc. Mà có tình thương là có đủ rồi. Cần chi nói đến bổn phận. Thương mẹ, như vậy là đủ. Mà thương mẹ không phải là một bổn phận.

         Thương mẹ là một cái gì rất tự nhiên. Như khát thì uống nước. Con thì phải có mẹ, phải thương mẹ. Chữ phải đây không phải là luân lý, là bổn phận. Phải đây là lý đương nhiên. Con thì đương nhiên thương mẹ, cũng như khát thì đương nhiên tìm nước uống. Mẹ thương con, nên con thương mẹ. con cần mẹ, mẹ cần con. Nếu mẹ không cần con, con không cần mẹ, thì đó không phải là mẹ là con. Đó là lạm dụng danh từ mẹ con. Ngày xưa thầy giáo hỏi rằng: "Con mà thương mẹ thì phải làm thế nào?" Tôi trả lời: "Vâng lời, cố gắng, giúp đỡ, phụng dưỡng lúc mẹ về già và thờ phụng khi mẹ khuất núi". Bây giờ thì tôi biết rằng: Con thương mẹ thì không phải "làm thế nào" gì hết. Cứ thương mẹ, thế là đủ lắm rồi, đủ hết rồi, cần chi phải hỏi " làm thế nào " nữa! 

         Thương mẹ không phải là một vấn đề luân lý đạo đức. Anh mà nghĩ rằng tôi viết bài này để khuyên anh về luân lý đạo đức là anh lầm. Thương mẹ là một vấn đề hưởng thụ. Mẹ như suối ngọt, như đường mía lau, như xôi nếp một. Anh không hưởng thụ thì uổng cho anh. Chị không hưởng thụ thì thiệt hại cho chị. Tôi chỉ cảnh cáo cho anh chị biết mà thôi. Để mai này anh chị đừng có than thở rằng: Đời ta không còn gì cả. Một món quà như mẹ mà còn không vừa ý thì họa chăng có làm Ngọc hoàng Thượng đế mới vừa ý, mới bằng lòng, mới sung sướng. Nhưng tôi biết Ngọc hoàng không sung sướng đâu, bởi Ngọc hoàng là đấng tự sinh, không bao giờ có diễm phúc có được một bà mẹ. 

        Tôi kể chuyện này, anh đừng nói tôi khờ dại. Đáng nhẽ chị tôi không đi lấy chồng, và tôi, tôi không nên đi tu mới phải. Chúng tôi bỏ mẹ mà đi, người thì theo cuộc đời mới bên cạnh người con trai thương yêu, người thì đi theo lý tưởng đạo đức mình say mê và tôn thờ. Ngày chị tôi đi lấy chồng, mẹ tôi lo lắng lăng xăng, không tỏ vẻ buồn bã chi. 

         Nhưng đến khi chúng tôi ăn cơm trong phòng, ăn qua loa để đợi giờ rước dâu, thì mẹ tôi không nuốt được miếng nào. Mẹ nói: "Mười tám năm trời nó ngồi ăn cơm với mình, bây giờ nó ăn bữa cuối cùng rồi thì nó sẽ đi ăn ở một nhà khác". Chị tôi gục đầu xuống mâm khóc. Chị nói: "Thôi con không lấy chồng nữa". Nhưng rốt cuộc thì chị cũng đi lấy chồng. Còn tôi thì bỏ mẹ mà đi tu. "Cắt ái từ sở thân" là lời khen ngợi người có chí xuất gia. Tôi không tự hào chi về lời khen đó cả. Tôi thương mẹ, nhưng tôi có lý tưởng, vì vậy phải xa mẹ. Thiệt thòi cho tôi, có thế thôi. Ở trên đời, có nhiều khi ta phải chọn lựa. Mà không có sự chọn lựa nào mà không khổ đau. Anh không thể bắt cá hai tay. Chỉ khổ là vì muốn làm người nên anh phải khổ đau. Tôi không hối hận vì bỏ mẹ đi tu nhưng tôi tiếc và thương cho tôi vô phúc thiệt thòi nên không được hưởng thụ tất cả kho tàng qúi báu đó. Mỗi buổi chiều lạy Phật, tôi cầu nguyện cho mẹ. Nhưng tôi không được ăn chuối ba hương, xôi nếp một và đường mía lau. 

          Anh cũng đừng tưởng tôi khuyên anh: "Không nên đuổi theo sự nghiệp mà chỉ nên ở nhà với mẹ!". Tôi đã nói là tôi không khuyên răn gì hết -- tôi không giảng luân lý đạo đức -- rồi mà! Tôi chỉ nhắc anh: "Mẹ là chuối, là xôi, là đường, là mật, là ngọt ngào, là tình thương". Để chị đừng quên, để em đừng quên. Quên là một lỗi lớn : Cũng không phải là lỗi nữa, mà là một sự thiệt thòi. Mà tôi không muốn anh chị thiệt thòi, khờ dại mà bị thiệt thòi. Tôi xin cài vào túi áo anh một bông hoa hồng: để anh sung sướng, thế thôi. 

         Nếu có khuyên, thì tôi sẽ khuyên anh, như thế này. Chiều nay, khi đi học hoặc đi làm về, anh hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và bền. Anh sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi anh sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ, để trông thấy mẹ và để biết rằng mẹ đang sống và đang ngồi bên anh. Cầm tay mẹ, anh sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Anh hỏi: "Mẹ ơi, mẹ có biết không?" Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên và sẽ nhìn anh, vừa cười vừa hỏi: "Biết gì?" Vẫn nhìn vào mắt mẹ, giữ nụ cười trầm lặng và bền, anh sẽ hỏi tiếp: "Mẹ có biết là con thương mẹ không?" Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù anh lớn ba bốn mươi tuổi, chị lớn ba bốn mươi tuổi, thì anh cũng hỏi một câu ấy. Bởi vì anh, bởi vì chị, bởi vì em là con của mẹ. Mẹ và anh sẽ sung sướng, sẽ sống trong tình thương bất diệt. Và ngày mai mất mẹ, Anh sẽ không hối hận, đau lòng , tiếc rằng anh không có mẹ. 

          Đó là điệp khúc tôi muốn ca hát cho anh nghe hôm nay. Và anh hãy ca, chị hãy ca cho cuộc đời đừng chìm trong vô tâm, quên lãng. Đóa hoa mầu hồng tôi cài trên áo anh rồi đó. Anh hãy sung sướng đi. 

Nhất Hạnh (1962) 
Nguồn :  http://thuvienhoasen.org/D_1-2_2-111_4-13479/bong-hong-cai-ao-nhat-hanh.html

==============================================================
* 14/5/2014

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Facebook Themes